Thám tử tư - BCI
Thám tử Việt Nam
Thám tử 24h
Tư vấn trực tuyến
Tư vấn trực tuyến
Đối tác/ khách hàng
Thamtu24h.org Luật 24h http://thamtutu.vn/tin-tuc-trong-nuoc/tham-tu-cuoc-chien-chong-hang-gia-hang-nhai/ Nghề luật Thám tử tư Thám tử 24h Dieutratu.com Ngheluat.net Luatsu24h.org

Tác nghiệp của luật sư: Thế nào là tiết lộ bí mật thông tin?

Cập nhật: 27/5/2009 | 9:27:29 AM

Năm 2006, các cơ quan tố tụng “ồn ĩ” về chuyện LS L. Đoàn LS Hà Nội khiếu nại xung quanh việc chị bị “nghi” tiết lộ bí mật của vụ án.

Đây là một vụ án phức tạp, khi hồ sơ

bị trả về cho CQĐT để điều tra bổ sung thì LS.L, tiếp tục được mời bào chữa cho một số bị can trong vụ án. Tuy nhiên, khi đến CQĐT để xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, cơ quan này trả lời: Do chị đã tiết lộ bí mật kết luận điều tra (lần 1) ra ngoài cho các nhân chứng nên từ chối không cho chị tham gia tố tụng. LS L. phản ứng với lập luận: Khi đã có kết luận điều tra thì thông tin không còn là bí mật nữa. Theo quy định của BLTTHS, tài liệu này được gửi cho bị can, đọc cho bị hại. CQĐT không có chứng cứ về việc chị đem “phát tán” kết luận điều tra nên không thể quy kết chị làm tiết lộ thông tin vụ án. Khiếu nại qua lại đến nhiều cấp và kết quả là chỉ đến khi CQĐT hoàn tất kết luận điều tra (bổ sung) và chuyển sang VKS, LS L. mới được cấp giấy chứng nhận bào chữa (khi đó theo Pháp lệnh LS, giấy chứng nhận bào chữa được cấp theo từng giai đoạn).

Những tài liệu nào được coi là “bí mật”?

Kết luận điều tra có phải là tài liệu mật? Một số LS cho rằng về nguyên tắc thì đó không phải là tài liệu mật vì khi kết thúc điều tra, ngoài LS còn một số người khác (bị can, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng được biết. Nhưng theo LS. Nguyễn Thái Hòa – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lí Thăng Long, Hội Luật gia Việt Nam -  thì trong một số trường hợp cụ thể, kết luận điều tra có thể được coi là bí “mật” nếu có những bí mật chưa được khai thác hết, ví dụ những thông tin mà CQĐT sẽ sử dụng để phục vụ cho việc mở rộng vụ án ở giai đoạn sau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với những LS được mời tham gia từ giai đoạn đầu của vụ án thì  không chỉ đợi đến khi ra tòa họ mới đưa ra các chứng cứ gỡ tội, mà việc này được làm suốt các quá trình tố tụng, đặc biệt sau khi có kết luận điều tra, vì việc này còn liên quan đến quyền được khiếu nại của các cá nhân, tổ chức được BLTTHS cho phép. Khiếu nại thì phải gửi đơn thư đến cơ quan chức năng (kể cả cơ quan báo chí) và các tài liệu đi kèm. Như vậy đây có phải là một hình thức tiết lộ bí mật thông tin? LS.Hòa cho rằng: Khiếu nại để chỉ ra những sai sót trong quá trình điều tra để kịp thời khắc phục sửa chữa là thể hiện tinh thần trách nhiệm của LS không chỉ bảo vệ thân chủ của mình mà còn bảo vệ pháp chế. Tuy nhiên, như trên đã nói, với những trường hợp mà kết luận điều tra cần được giữ bí mật, nếu như LS thực hiện việc khiếu nại thì sẽ không thể giữ bí mật đó và ngược lại. Đây thực sự là một điều khó đối với bất cứ một LS nào.

Ngoài kết luận điều tra, trong một vụ án hình sự còn có hàng trăm, hàng nghìn tài liệu khác. Vậy những tài liệu nào, ở giai đoạn nào được coi là mật? LS. Hà Mạnh Huy (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng: Các tài liệu mật nằm trong danh mục được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì đương nhiên nó không được tiết lộ ra ngoài. Tuy nhiên, đối với các vụ án hình sự thì đến nay chưa có danh mục tài liệu mật nào được công bố (mặc dù ngành Công an, VKS cũng như Tòa án đều có những quy định riêng về việc giữ bí mật thông tin). Thực tế khó ở chỗ tài liệu này đối với vụ án này có thể là mật, nhưng đối với vụ án khác lại không… Chính vì chưa có những quy định cụ thể nên mỗi LS, mỗi cơ quan tố tụng hiểu và áp dụng một cách khác nhau. Để an toàn cho mình, nhiều cơ quan đã tự đặt ra quy định bắt LS viết cam kết không để lộ thông tin vụ án trước khi để LS vào tiếp xúc hồ sơ. Một số cơ quan tố tụng lại vin vào những lí do cho rằng LS đã làm lộ bí mật để gây khó dễ.

Liên quan đến bí mật thông tin, một LS giấu tên nêu một vấn đề có mâu thuẫn. Đó là việc trong khi tác nghiệp, LS biết được những thông tin bất lợi cho thân chủ mình. Các hành vi này cấu thành tội phạm và sau đó bị CQĐT phát hiện. Trường hợp đó thì LS có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm hay không? Thực tế khi nhận bảo vệ cho thân chủ thì dù biết có dấu hiệu phạm tội cũng chưa từng thấy LS nào đi tố giác.

Đề cao đạo đức nghề nghiệp

Hầu hết các LS được hỏi đều cho rằng, quy định về bí mật thông tin hiện nay rất mơ hồ. Mặt khác, Luật LS còn quy định, tổ chức hành nghề LS có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức mình không tiết lộ bí mật thông tin. Đó là điều không khả thi bởi trên thực tế, việc giữ bí mật thông tin chủ yếu dựa vào đạo đức nghề nghiệp của mỗi LS. Do vậy, các LS đề nghị đã có quy định trong Luật thì cần phải hướng dẫn cụ thể để tránh bị lạm dụng. Bên cạnh đó, không chỉ có LS mà tất cả các bên tham gia tố tụng đều phải giữ bí mật thông tin và phải chịu trách nhiệm nếu để lộ ra những bí mật đó.

* Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

(khoản 1 Điều 25 Luật Luật sư)

(Nguồn tin: báo pháp luật Việt Nam)